Sáng 8/5 tại TP Hải Phòng, Bộ Văn Hoá Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định của Thủ tướng về 12 bảo vật quốc gia quý hiếm.
Tại buổi Lễ, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 12 hiện vật của Hải Phòng là bảo vật quốc gia.
Trong đó, bao gồm: Long đao có niên đại thế kỷ XVII-XVIII, trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy); Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có niên đại thế kỷ XVI, trưng bày tại chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy); bộ sưu tập gốm men trắng An Biên có niên đại thế kỷ XI – XII, trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng (số 66 Điện Biên Phủ, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng).
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định, những hiện vật được lưu truyền có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử – văn hóa. Đây là những hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, liên quan đến những sự kiện trọng đại của đất nước, của danh nhân. Qua các bảo vật ta nhìn thấy những tinh hoa minh chứng cho tài năng, trí tuệ và phẩm chất của con người Việt Nam.
Để phát huy mạnh mẽ những giá trị của bảo vật quốc gia, ông Nam đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cùng các các Sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát đề xuất công nhận bảo vật quốc gia trên địa bàn thành phố. Yêu cầu các cấp chính quyền địa phương, cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý bảo vật quốc gia làm tốt công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn và tuyên truyền phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa.
Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương ghi nhận và đánh giá cao công tác phát huy giá trị các di sản văn hóa của thành phố Hải Phòng.
Ông khẳng định 12 bảo vật được công nhận ngày hôm nay đều là những di sản vô giá của Việt Nam.
Theo đó Bộ đề nghị Hải Phòng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai bảo vệ các bảo vật quốc gia, ưu tiên đầu tư cải tạo kho tàng bảo quản nơi lưu giữ bảo vật, xây dựng chương trình để quảng bá phát huy giá trị bảo vật quốc gia tới cộng đồng trong và ngoài nước.
Hải Phòng không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm của đất nước mà còn là trung tâm tiếp nhận và giao thoa văn hóa thế giới, nơi hội tụ và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại.
Hải Phòng là vùng đất có hệ thống di tích đậm đặc, với 937 di tích; trong đó có 531 di tích đã được xếp hạng; có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 118 di tích quốc gia và 413 di tích thành phố; có 474 lễ hội và 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguyễn Thu Hằng
Vietnamnet