Home » Khán giả Việt Nam tranh luận về “Em và Trịnh”

Khán giả Việt Nam tranh luận về “Em và Trịnh”

Phim nổi bật trong tháng - "Em và Trịnh"

by admin
0 comment
em và trịnh

Cộng đồng mạng hiện nay đang có nhiều cuộc tranh luận về phim “Em và Trịnh”. Mặc dù khá thành công tại phòng vé, nhiều người cho rằng “Em và Trịnh” chưa xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật có “tâm” và có “tầm”, bởi tồn tại nhiều sai lệch so với hình ảnh đời thực của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Bộ phim gây chú ý nhiều nhất tháng 6/2022

Dù bạn ở “phe” ủng hộ hay chỉ trích, sự phổ biến của “Em và Trịnh” là điều không phải tranh cãi. Theo nhiều thống kê, “Em và Trịnh” là cụm từ được Search nhiều nhất trên Google Việt Nam trong tuần vừa qua. Không chỉ vậy, bộ phim còn xuất hiện trên hàng trăm cuộc thảo luận tại các mạng xã hội, từ Facebook, Tiktok cho đến Youtube. Đối tượng bị thu hút bởi hiện tượng này trải đều mọi lứa tuổi. Những người trẻ muốn tìm hiểu về huyền thoại âm nhạc Trịnh Công Sơn thông qua điện ảnh. Thế hệ đi trước lại xem phim với sự hoài niệm, nhớ về một quá khứ đã xa.

em và trịnh

“Em và Trịnh” thu hút sự chú ý ngay từ những ngày đầu ra mắt

Sức hút của “Em và Trịnh” không chỉ có trên mạng xã hội “ảo”. Theo diễn đàn thảo luận Box Office, trong Sneakshow đầu tiên, bộ phim đã thu khoảng 2,5 tỷ đồng, cao gấp 10 lần tác phẩm cùng đợt “Trịnh Công Sơn”. Thậm chí, doanh thu ngày thứ 3 còn cao hơn ngày đầu – một hiện tượng khá hiếm thấy tại các rạp chiếu Việt Nam. Tới thời điểm hiện tại, nhiều thống kê cho rằng, phim đã thu gần 100 tỷ đồng. Dù đây chưa phải con số lớn nhất mà một tác phẩm điện ảnh nước nhà từng đạt được, nhưng có thể nói, “Em và Trịnh” là bộ phim thành công nhất phòng vé Việt Nam từ đầu năm 2022 cho đến nay.

Những tranh cãi xung quanh “Em và Trịnh”

Có doanh thu tốt, nhưng nhiều người đánh giá “Em và Trịnh” không phải một tác phẩm nghệ thuật thành công. Với khán giả đại chúng, phim thể hiện khá ổn về mặt hình ảnh, màu sắc. Tuy nhiên, tác phẩm gặp chung vấn đề như nhiều bộ phim thể loại tiểu sử khác. Đó là tính chân thực của cốt truyện.

Sai lệch so với đời thực

“Em và Trịnh” kéo dài 136 phút, kể câu chuyện về những bóng hồng đã bước qua đời Trịnh Công Sơn. Đó là mối tình với cô nữ sinh Nhật Bản Michiko Yoshii có niềm đam mê tìm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam, là sự đồng điệu trong âm nhạc với nữ ca sĩ Khánh Ly, là chuyện tình buồn với hai chị em người Huế – Diễm My và Dao Ánh. Tuy nhiên, có lẽ do quá sa đà vào khía cạnh chuyện tình, mà bộ phim bị cho là đã khắc họa chân dung cố nhạc sĩ như một chàng trai ủy mị, mải chạy theo cảm xúc yêu đương sướt mướt. Trong khi đó, khán giả Việt Nam vốn biết đến Trịnh Công Sơn với hình tượng người nghệ sĩ có tâm hồn phong phú, sâu sắc, và nhiều suy tư về cuộc đời.

em và trịnh

Tác phẩm bị cho là khắc họa Trịnh Công Sơn như chàng trai đa tình, ủy mị

Gần đây, Khánh Ly, một nhân vật cũng được thể hiện trong “Em và Trịnh”, đã lên tiếng phản đối đoàn làm phim về việc sai lệch so với đời thực. Cụ thể, danh ca cho rằng, bà chưa từng “đút sữa chua” cho cố nhạc sĩ như hình ảnh phim tạo ra. Đồng thời, đoàn làm phim đã cố tình sử dụng một số phân cảnh mà không có sự cho phép của bà. Điều này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không mong muốn đến cuộc sống của nữ ca sĩ.

Áp lực trước kỳ vọng lớn của khán giả

Đạo diễn và các diễn viên vẫn luôn gặp nhiều áp lực khi thực hiện dòng phim tiểu sử, đặc biệt là phim về các nhân vật mang tính biểu tượng. Trường hợp của “Em và Trịnh” cũng vậy. Trịnh Công Sơn là một trong những “tượng đài” của nền âm nhạc nước nhà. Dù trải qua nhiều năm, các tác phẩm của ông vẫn luôn dành nhiều sự quan tâm, yêu mến của người Việt. Chính vì vậy, việc bộ phim nhận sự kỳ vọng lớn là điều dễ hiểu.

em và trịnh

Avin Lu – diễn viên đóng vai Trịnh Công Sơn thời trẻ

Bên cạnh đó, nam diễn viên đóng vai Trịnh Công Sơn thời trẻ – Avin Lu chưa dành được sự tin tưởng của khán giả. Khi đoàn làm phim công bố vai diễn này, nhiều người đánh giá, Avin Lu còn thiếu chiều sâu để hóa thân thành cố nhạc sĩ. Vai diễn “Trịnh lớn” cũng khiến nhiều người chưa thỏa mãn. Trần Lực là diễn viên gạo cội, có khả năng chuyên môn. Tuy nhiên, trên các diễn đàn thảo luận vẫn có quan điểm cho rằng, nam diễn viên nhìn “hơi lực lưỡng so với hình ảnh Trịnh Công Sơn ngoài đời”.

Thiếu sót của điện ảnh Việt Nam

Tại sao điện ảnh Việt Nam bị “bỏ” lại khá xa so với các quốc gia khác? Đây là câu hỏi mà nhiều người Việt yêu phim luôn suy nghĩ đến. Thái Lan có đạo diễn độc lập Apichatpong Weerasethakul với nhiều tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao như “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives”, “Memoria”,…Philippines có Brillante Mendoza với “Pinatay”. Trong khi đó, nhiều khán giả đánh giá, Việt Nam chưa làm ra một sản phẩm nghệ thuật xuất sắc thực sự. Ngay cả Trần Anh Hùng, đạo diễn người Việt có nhiều tác phẩm vươn ra tầm thế giới, cũng dành phần lớn thời gian tại Pháp, chứ không phải ở quê hương nơi ông sinh ra.

em và trịnh

Thái Lan có tác phẩm “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives” được đánh giá cao

Trả lời cho câu hỏi trên, mỗi người lại có những nhận định khác nhau. Có người nghĩ nguyên nhân là do Việt Nam chưa đầu tư nghiêm túc về mặt thiết bị, diễn viên, phối cảnh, trang phục, kỹ xảo,…Một số khác cho phần “gốc” gây nên sự trì trệ của điện ảnh Việt là “nền văn học thiếu phát triển”, “chưa có triết học”,…Ngoài ra, việc khán giả Việt Nam còn “dễ dãi” trong tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật cũng là một điểm cần bàn đến.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, “Em và Trịnh” là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phòng vé Việt Nam thời gian gần đây. Bộ phim này đã gợi cảm hứng cho các nhà làm phim chuyển sang khai thác thể loại mới, đó là tiểu sử. Nhiều khán giả hi vọng, chặng đường tiếp theo của điện ảnh nước nhà sẽ chứng kiến những tác phẩm chỉn chu và sáng tạo hơn, góp phần làm giàu đẹp đời sống tinh thần người Việt. 

You may also like

Leave a Comment

Trang thông tin chính thức cập nhật tin mới nhất tại Hải Phòng

BÀI VIẾT MỚI

@2022 – All Right Reserved. BC Mar